TRÀ TÚI LỌC KHỔ QUA

Tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của khổ qua
Mướp đắng còn có tên gọi khác:

Khổ qua, cẩm lệ chi, lương qua, mướp mủ, chua hoa (Mường)…

Bộ phận dùng là quả tươi hay khô, có thể dùng cả hạt và lá để làm thuốc.

Trong quả có chứa glycozit đắng: momordixin, charantin; hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin; lipid và các sắc tố chủ yếu: lycopen; một số vitamin và muối khoáng. Hạt chứa chất béo và chất đắng.

Theo Đông y mướp đắng vị đắng, lạnh; vào tỳ vị tâm can. Tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh tiểu đường. Dùng 1- 4 quả; nấu, xào, ép nước, pha hãm.

1.Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sảy:

Mướp đắng 2 – 3 quả. Rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước tắm cho trẻ. Ngày làm 1 lần.

2.Chữa ho:

Mướp đắng 1 – 2 quả. Rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước uống trong ngày.

Chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, cỏ xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc uống ngày 1 thang.

3.Nước sắc khổ qua:

Khổ qua 1 – 2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, sắc lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp tiểu đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát.

4.Nước chiết khổ qua ướp đường:

Khổ qua tươi 1 – 2 quả. Khổ qua rửa sạch, nghiền nát nhuyễn, cho thêm 100g đường trắng trộn khuấy đều để sau 2 giờ đem khuấy nước sôi nguội và lọc lấy nước cho uống 1 lần. Dùng cho chứng nhiệt lỵ.

5.Khổ qua xào đậu phụ:

Khổ qua 150g, đậu phụ 100g. Khổ qua rửa sạch, bỏ ruột thái lát, dùng dầu xào to lửa cho chín tái, cho đậu phụ thái lát và ít muối gia vị, tiếp tục xào to lửa cho chín đều. Cho ăn ngày 1 lần. Dùng thường ngày cho bệnh nhân tiểu đường.

6.Khổ qua xào thịt nạc:

Cách làm tương tự như trên, thay đậu phụ bằng thịt lợn nạc. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, tiểu đường, đau mắt đỏ…

7.Khổ qua xào cà rốt:

Khổ qua 60g, cà rốt 60g, thêm hành tiêu gia vị xào với lửa to. Ăn ngày 2 lần. Dùng cho các trường hợp tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ nhỏ với liều bằng nửa của người lớn.

8.Thịt nạc hầm khổ qua củ cải:

Khổ qua 250g – 500g, thịt lợn nạc 125g – 250g, củ cải 100g – 200g. Khổ qua rửa sạch thái lát, thịt lợn nạc thái miếng, củ cải thái miếng; hầm với nước; khi đã chín thêm gia vị. Cho ăn ngày 1 lần, liên tục 20 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm họng mạn tính, đau rát họng, ho khan, viêm nề hoặc viêm teo niêm mạc họng.

9.Khổ qua xào bột tề:

Khổ qua 60g, bột củ năn 60g. Khổ qua bỏ ruột thái lát, bột tề (củ năn) bóc vỏ thái lát. Cho dầu vừng hoặc dầu thực vật xào to lửa, thêm gia vị. Cho ăn ngày 1 – 2 lần. Dùng cho các trường hợp viêm loét niêm mạc môi miệng, viêm lưỡi và họng hầu. Ăn và nhai nuốt đều đau, sốt nóng.
Mướp đắng (còn gọi là khổ qua), thuộc họ bầu bí. Quả có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí; gấp 5 – 20 lần dưa chuột, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim. Chất glycoside của mướp đắng có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường. Protein của mướp đắng có thể xúc tiến hệ thống miễn dịch của cơ thể kháng tế bào ung thư. Thường xuyên ăn mướp đắng có thể tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể, ức chế HIV.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc. Thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hạt bổ thận tráng dương. Trị chứng rôm sảy: mướp đắng thái miếng xoa lên da. Nấu nước uống có thể tán nhiệt giải thử. Mướp đắng thái ra phơi khô là vị thuốc trị liệu phát sốt có hiệu quả.

Quá nóng sinh khát: mướp đắng 1 quả bổ ra bỏ ruột, cắt nhỏ, đun nước uống hoặc mướp đắng cũng làm như trên rồi giã nát, cho 50g đường trộn đều, để 2 giờ sau vắt lấy nước uống. Trúng nóng phát sốt, đau mắt sưng đỏ: mướp đắng tươi 1 quả, cắt đôi bỏ ruột, cho lá chè vào rồi khâu lại, phơi ở chỗ thoáng gió râm mát cho khô rồi sắc nước uống hoặc pha uống thay chè, mỗi lần 10g. Chữa đái tháo đường: mướp đắng 100g, tươi thì hấp chín ăn, khô hãm nước sôi uống, dùng dài ngày. Chữa viêm họng: hạt mướp đắng 30g, lá rẻ quạt 15g, cam thảo 10g. Các vị tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước nguội. Chữa chốc đầu: mướp đắng 100g, mật lợn 100ml. Mướp đắng rửa sạch giã nhỏ trộn đều với mật lợn. Trước khi đắp thuốc cần dùng nước chè tươi đặc rửa sạch chỗ chốc rồi đắp thuốc lên. Ngày đắp một lần. Lở loét chảy nước, đau: mướp đắng (vừa đủ) giã nát đắp vào vết thương. Chữa lỵ: mướp đắng (vừa đủ) giã nát vắt lấy nước, mỗi lần 150ml, uống với nước sôi để nguội, ngày uống 2 lần. Liệt dương, di tinh, mộng tinh: hạt mướp đắng (lượng vừa phải) rang chín, tán bột. Mỗi lần uống với rượu (khoảng 10g) ngày 2 – 3 lần

Công dụng kỳ diệu của trái khổ qua

Khổ qua hay mướp đắng (Momordica charantia) thuộc họ bầu bí. Momordica cũng có nghĩa là cắn, ngoạm, để mô tả trái bị khuyết vào như dấu răng cắn.

Khổ qua được chọn làm một trong 6 cây thuốc tiêu biểu trong bộ tem dược thảo phát hành năm 1996. Như vậy thì khổ qua có giá trị trị liệu đáng cho chúng ta tìm hiểu.

Giá trị dinh dưỡng: Theo tài liệu của Trường đại học Purdue về các loại rau quả châu Á nhập vào Mỹ, khổ qua có nhiều nước, protein, lipid, carbohydrat, vitamin A, B1, B2, C, khoáng chất như calcium, potassium, magné, sắt, kẽm.

Giá trị trị liệu: Trái và hạt khổ qua đều sử dụng được, có thể hỗ trợ cho các trường hợp điều trị tiểu đường; cải thiện đường huyết và cải thiện dung nạp glucose; giảm cholesterol, hạn chế tiến trình bệnh võng mạc (do biến chứng từ bệnh tiểu đường). Khổ qua còn có tác dụng kháng khuẩn, chống u bướu và có thể ức chế tổng hợp protein. Giảm đau, chống chướng hơi, giải độc, táo bón, kiết lỵ, trĩ. Khổ qua góp phần trong việc chữa trị bệnh ngoài da như mụn nhọt, rôm sẩy, eczéma, phỏng, nhiễm trùng da.

Lưu ý: Dùng khổ qua quá nhiều và lâu dài có thể gây rối loạn tiêu hóa; hoặc gây hôn mê do đường huyết tụt quá thấp. Do có tính mát, nên người có chứng rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh không nên dùng.

Món ăn bài thuốc từ khổ qua

– Gỏi khổ qua (giải nhiệt, giải độc, sáng mắt, hạ đường huyết): Khổ qua bỏ hột, bào mỏng, xóc ít muối, xả lại nhiều lần với nước sạch, vắt ráo. Xào tôm khô với tỏi cho thơm, cho vào khổ qua, vắt thêm chanh, cho nước mắm, đường nêm vừa ăn. Có thể bào thêm một ít su su trộn chung.

– Nước khổ qua (trị nóng gan, bốc hỏa, mắt đỏ sưng đau): Khổ qua tươi 500 gr, rửa sạch, cắt lát, cho vào nồi, thêm 250 ml nước, nấu khoảng 10 phút. Uống thay nước.

– Cật heo xào khổ qua (giảm stress, ngủ ngon): Cật heo khía hoa ướp với hành tím băm, ướp gia vị và một chút dầu mè, để 5 phút cho thấm. Đun nóng dầu, cho cật heo vào xào đều tay, sau khi cật heo săn chín tiếp tục cho khổ qua đã cắt miếng nhỏ vào xào tiếp tục cho chín. Nêm nếm vừa ăn và cho ra đĩa, rắc hạt điều rang giã dập.